1. Dị ứng là gì?
Dị ứng là tình trạng bệnh lý do phản ứng miễn dịch với dị nguyên, gây ra những tổn thương tổ chức, rối loạn chức năng một số cơ quan trong cơ thể.
Dị ứng là một tình trạng phổ biến, do phản ứng miễn dịch với dị nguyên
Với cuộc sống công nghiệp hóa hiện đại hóa, ngày nay, sự xuất hiện của những trang thiết bị hiện đại kéo theo những hóa chất hay phế phẩm do quá trình công nghiệp hóa tạo ra đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sức khỏe con người. Cùng với đó, những căn nguyên gây nên các bệnh lý dị ứng ngày càng trở nên đa dạng. Có thể kể đến như hóa chất, thức ăn, mỹ phẩm, thuốc, nước uống,… Ngoài ra, còn có một số tác nhân khác cũng có thể gây ra bệnh lý dị ứng cho con người như ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn, đơn bào.
Thống kê cho thấy, đa số người bệnh đến thăm khám tại các cơ sở y tế vì tình trạng dị ứng có những triệu chứng khá đa dạng, phong phú, có thể là cấp tính, hoặc mày đay mạn tính; có thể dị ứng nhẹ hoặc là nghiêm trọng, thậm chí đã có những trường hợp tử vong. Ngoài ra, ngoài ra có một bộ phận không nhỏ bệnh nhân khi thấy bản thân có những dấu hiệu dị ứng như mày đay, mẩn ngứa, điều trị chuyên khoa da liễu không khỏi thì cho rằng đó là bệnh giun sán, chuyển sang khám và làm xét nghiệm ký sinh trùng để mong tìm ra bệnh.
Dị nguyên là những tác nhân có khả năng gây ra các phản ứng dị ứng. Dị nguyên vốn là chất lạ đối với cơ thể. Tuy nhiên phản ứng của cơ thể từng người đối với những chất này là không giống nhau. Một dị nguyên có thể là một chất nguy hiểm đối với cơ thể người này nhưng lại không nguy hiểm đối với người khác, còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người.
Vậy tóm lại, khi gặp vật lạ, trong cơ thể sẽ xảy ra những phản ứng ở các mức độ khác nhau nhằm tự bảo vệ. Nhưng nếu phản ứng xảy ra quá mức sẽ có thể khiến cơ thể biểu hiện thành triệu chứng, gọi là phản ứng dị ứng. Thậm chí nhiều trường hợp diễn biến trầm trọng hơn thành sốc phản vệ, có thể dẫn đến tử vong.
Các biểu hiện có thể gặp trong sốc phản vệ
2. Các tình trạng dị ứng thường gặp
Dị ứng có thể là:
- Viêm da dị ứng: còn được gọi là eczema, có thể dẫn đến ngứa da, bong da, thậm chí là lột da.
- Viêm mũi dị ứng: gây ngứa, chảy nước mũi, sung huyết mũi, viêm kết mạc.
- Dị ứng do côn trùng chích: có thể gây ngứa hoặc phát ban trên một bộ phận hoặc toàn bộ cơ thể, một diện tích da bị sưng lớn tại vùng da bị chích, tức ngực, khó thở, sốc phản vệ,…
Dị ứng do côn trùng chích thường được gặp ở trẻ em
Xét nghiệm dị ứng được tiến hành khi có những triệu chứng cho thấy phản ứng dị ứng với một hoặc nhiều chất. Các dấu hiệu thường gặp là: viêm da, mắt đỏ, ngứa, ho, hắt hơi, hen, khó thở, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy,…
3. Xét nghiệm dị ứng và những trường hợp cần xét nghiệm Panel dị ứng
Xét nghiệm này có thể xác định được cùng lúc 60 đến 107 dị nguyên gây nên dị ứng phổ biến nhất gồm: bụi, lông động vật, phấn hoa, côn trùng, protein động vật, thực vật, các loại hạt,… chỉ dựa trên 1 mẫu xét nghiệm.
Xét nghiệm này cùng với định lượng IgE sẽ được các bác sĩ chuyên gia chỉ định trong nhiều trường hợp như:
- Bệnh nhân có cơ địa dị ứng mạn tính nhưng chưa tìm được nguyên nhân. Và xét nghiệm này sẽ góp phần quan trọng trong việc định hướng nguyên nhân từ những thứ chúng ta tiếp xúc hàng ngày.
- Bệnh nhân có những dấu hiệu của bệnh lý dị ứng do một hoặc nhiều chất. Các dấu hiệu bao gồm: viêm da, mắt ngứa đỏ, hắt hơi, khó thở, đau bụng đi ngoài,…
Đi ngoài là một trong những biểu hiện của bệnh dị ứng
Xét nghiệm Panel dị ứng có thể được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, kết quả không bị ảnh hưởng bởi việc ăn uống của người bệnh, nên người bệnh có thể sắp xếp thời gian hợp lý để kiểm tra.
Với kết quả được đưa ra, bác sĩ có thể tìm được nguyên nhân từ hàng trăm dị nguyên, từ đó đưa ra hướng điều trị tích cực cho người bệnh.