Dị ứng tôm cua (shellfish allergy) là một dạng nhỏ của dị ứng hải sản. Đối với người dị ứng hải sản, họ có thể không ăn được nhiều loại hải sản khác nhau. Đối với người dị ứng tôm cua, họ vẫn có thể ăn được một số loại hải sản khác, trừ tôm cua. Ở nhiều quốc gia, ghi nhận hầu hết các trường hợp dị ứng tôm của là người trưởng thành, chiếm đến 60% trường hợp.
I. Nguyên nhân dị ứng tôm cua
Dị ứng tôm cua thường bao gồm dị ứng khi ăn tôm, cua (phần thịt) và dị ứng gạch tôm, cua. Một số bệnh nhân chỉ dị ứng tôm cua mà không dị ứng các loại hải sản khác, một số bệnh nhân dị ứng với nhiều loại hải sản khác nhau, bao gồm cả tôm, cua.
Nguyên nhân chủ yếu gây dị ứng tôm cua là do trong thịt, gạch của các loại tôm, cua, ghẹ,… có rất nhiều protein khác nhau. Trong cơ thể của những bệnh nhân dị ứng không thể nhận dạng được các protein này và xem chúng là những protein lạ. Do đó khi ăn tôm, cua, cơ thể của người bị dị ứng sẽ tiết các kháng thể thúc đẩy phản ứng.
Mặt khác, trong các loại tôm, cua cũng có một lượng histamine nhất định. Đây là thành phần quan trọng có trong hầu hết các phản ứng dị ứng. Trong quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến lượng histamine này có khả năng tăng cao, dẫn đến tình trạng dị ứng da. Bên cạnh đó, ăn một lượng lớn tôm cua cùng một lúc cũng có thể bị dị ứng do histamine đưa vào cơ thể quá mức.
Ở người có cơ địa quá mẫn với tôm cua, nếu gặp các yếu tố trên có thể gây ra các phản ứng dị ứng trên da, cơ quan hô hấp,… Mức độ dị ứng cũng khác nhau tùy theo độ quá mẫn của mỗi người. Phần lớn dị ứng tôm cua thường ở dạng nhẹ (chiếm khoảng 70%) còn lại là các trường hợp nặng và nguy hiểm.
Thịt và gạch của một số loài tôm, cua, ghẹ, tôm hùm,… có thể gây dị ứng khi ăn tôm cua với người có cơ địa mẫn cảm
II. Biểu hiện dị ứng tôm cua và 3 mức độ nhận biết
Thông thường, dị ứng tôm cua thường xuất hiện dưới 3 mức độ nhẹ, nặng, nguy hiểm, tùy theo độ mẫn cảm của bệnh nhân. Độ mẫn cảm với tôm cua càng lớn thì khi sử dụng, các phản ứng dị ứng, quá mẫn càng cao. Biểu hiện dị ứng tôm cua có thể xuất hiện sau khi ăn khoảng vài phút đến vài chục phút với các dấu hiệu tùy theo mức độ, bao gồm:
1. Mức độ nhẹ
Dị ứng tôm cua mức độ nhẹ chủ yếu gây ra các dấu hiệu ngoài da. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng mẩn đỏ, mề đay ngoài da, một số trường hợp cò có thể sưng phù. Những vùng da thường có các dấu hiệu dị ứng là vùng mặt, môi, má, bụng, quanh thắt lưng, tay chân,…
Song song với các triệu chứng ngoài da thường là các đợt ngứa dai dẳng kéo dài suốt thời gian dị ứng. Ở những bệnh nhân dị ứng tôm cua mức độ nhẹ, thời gian xuất hiện các đợt dị ứng thường không kéo dài, thường từ vài giờ đến một ngày. Cá biệt có một số trường hợp kéo dài vài ngày. Bệnh nhân dị ứng tôm cua mức độ nhẹ có thể tự khỏi hoặc được điều trị với một số loại thuốc chống dị ứng thông thường.
Các dấu hiệu ngứa, sưng phù ngoài da rất thường gặp ở người bị dị ứng tôm, cua
2. Mức độ nặng
Những trường hợp dị ứng mức độ nặng thường sưng phù nhiều, ngoài các triệu chứng trên da còn có thể xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa, hô hấp. Điển hình là đau vùng thượng vị, có cảm giác sôi bụng, nôn mửa, tiêu chảy, dấu hiệu gần giống ngộ độc thực phẩm.
Cổ họng có cảm giác nóng rát, ngứa và sưng, gây ra tình trạng thở gấp, khó thở cho bệnh nhân. Dị ứng mức độ nặng tương đối nguy hiểm, bệnh nhân cần đặc biệt cảnh giác với các dấu hiệu bùng phát của bệnh. Đối với bệnh nhân dị ứng mức độ nặng trở lên, cần được cấp cứu để chống các phản ứng dị ứng quá mức ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
3. Mức độ nguy hiểm
Dị ứng tôm cua mức độ nguy hiểm còn gọi là sốc phản vệ, đây là dạng dị ứng rất nghiêm trọng do cơ địa của bệnh nhân có các dấu hiệu quá mẫn ở mức độ cao. Sốc phản vệ thường có phản ứng rất nhanh sau khi ăn, từ vài phút đến khoảng 15 phút với các triệu chứng đặc biệt dữ dội như:
- Phát ban và ngứa ngoài da rất nhanh kèm theo ngứa, sưng phù da, cổ họng
- Chuột rút, tay chân sưng, yếu
- Nôn mửa, khó thở, ngạt thở kèm đau tức ngực
- Mạch nhanh và yếu, huyết áp thấp
- Có các vấn đề về thần kinh như chóng mặt, mất ý thức, ngất xỉu,…
Người bị sốc phản vệ do dị ứng tôm cua thường chiếm tỉ lệ rất thấp, tuy nhiên đây là tình trạng rất nghiêm trọng, cần được cấp cứu ngay để đảm bảo tính mạng. Thời gian vàng trong cấp cứu sốc phản vệ rất quan trọng, người bị sốc phản vệ cần được can thiệp ngay trong vòng 30 – 60 phút từ khi có triệu chứng sốc phản vệ vì nếu trễ hơn sẽ có thể tử vong.
Dị ứng tôm cua có nhiều mức độ, trong đó 70% là các dấu hiệu nhẹ, ngoài ra còn có một số ít có các dấu hiệu nặng. Những trường hợp rất nặng như sốc phản vệ thường chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ
III. Làm gì khi bị dị ứng tôm cua
Tương tự như nhiều dạng dị ứng khác, điều trị dị ứng tôm cua cũng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như mức độ dị ứng của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ có những chỉ định riêng biệt và phù hợp.
1. Dùng thuốc
Đối với dị ứng tôm cua dạng nhẹ, tùy theo trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc để cơn dị ứng tự chấm dứt. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định một số thuốc chống dị ứng, thuốc kháng histamine để giúp bệnh nhân làm dịu tình trạng dị ứng. Đồng thời một số thuốc bôi ngoài da, điều trị ngứa da cũng có thể được chỉ định để sử dụng song song.
Với những trường hợp sốc phản vệ do dị ứng tôm cua, các bác sĩ thường chỉ định tiêm Epinephrine (hoặc adrenaline) và theo dõi phản ứng sau khi tiêm. Trong thời gian cấp cứu sốc phản vệ, các bác sĩ cũng có thể chỉ định một số thuốc khác nếu cần thiết.
Điều trị dị ứng tôm cua bẳng thuốc chống dị ứng giúp ngăn chặn tình trạng dị ứng tiến triển nặng hơn
2. Một số mẹo khi bị dị ứng tôm cua
Đối với những trường hợp dị ứng nhẹ với các dấu hiệu thông thường ngoài da, bệnh nhân có thể áp dụng một số phương pháp chữa dị ứng hải sản từ các nguyên liệu tự nhiên. Những cách này có thể giảm bớt tình trạng ngứa ngáy, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Thạc sĩ, Bác sĩ Đông Y Hoàng Khánh Toàn (Bệnh viện 108) cho biết, khi có các dấu hiệu dị ứng tôm cua ở dạng nhẹ với dấu hiệu ngứa ngáy, mề đay ngoài da, bạn có thể áp dụng một số cách tự nhiên để làm dịu cảm giác khó chịu, bao gồm:
Uống nhiều nước
Cách này giúp cho quá trình giải độc tố, các dị ứng nguyên trong cơ thể được nhanh hơn. Khi có dấu hiệu dị ứng, bạn có thể uống ngay 1 – 2 ly nước để giúp tình trạng dị ứng da bớt khó chịu.
Dùng mật ong pha nước ấm
Cách này cũng có tác dụng giúp giảm các triệu chứng dị ứng tôm cua vì mật ong có một số vitamin và các hoạt chất giúp trung hòa dị ứng nguyên. Dùng khoảng 2 muỗng mật ong pha với một ly nước ấm có thể giúp giảm ngứa ngoài da do dị ứng tôm cua.
Dùng nước cam, chanh
Nước cam, chanh chứa nhiều vitamin C, vừa giúp làm dịu da, bù nước cho cơ thể và còn giúp da bạn trung hòa bớt độc tính, giúp thải độc nhanh hơn. Khi bị ngứa, mề đay do dị ứng da bạn có thể dùng một ít nước cam, chanh để giúp giảm các dấu hiệu khó chịu.
Nước chanh giúp giảm bớt các dấu hiệu dị ứng, bù nước và vitamin C, có thể áp dụng với những trường hợp dị ứng nhẹ
IV. Lời khuyên cho người bị dị ứng tôm cua
Đối với các bệnh dị ứng, bao gồm dị ứng tôm cua, việc phòng ngừa luôn đóng vai trò quan trọng. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa đúng cách là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để tránh những rắc rối không mong muốn do dị ứng gây ra. Theo Bác sĩ Lê Thị Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), để hạn chế những ảnh hưởng do dị ứng tôm cua, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Người đã từng bị dị ứng với tôm cua không nên ăn thịt tôm, cua, ghẹ,… và gạch tôm, gạch cua vì có thể làm cho dị ứng bùng phát trở lại
- Với người không rõ có dị ứng với các loại tôm cua hay không thì tốt nhất chỉ nên ăn thử một ít để biết có dị ứng hay không, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Nếu có dị ứng thì phải ngừng ăn.
- Với người có cơ địa vốn không dị ứng với tôm cua cũng cần cẩn thận với các loại hải sản chế biến không đảm bảo, ôi thiu vì cũng có thể gây ngộ độc hoặc ngứa do chứa nhiều histamine
- Thông báo cho những người xung quanh biết về tình trạng dị ứng tôm cua của bạn, đặc biệt là những người trực tiếp nấu, chế biến thức ăn
- Khi chọn mua các thực phẩm chế biến sẵn bạn cũng cần chú ý kỹ thành phần được ghi trong thực phẩm để tránh nguy cơ dị ứng
Dị ứng tôm cua khá phổ biến ở nước ta, do đó việc hiểu rõ và có hướng xử trí phù hợp khi bị dị ứng là rất quan trọng. Những hướng dẫn trên đây có thể giúp bạn có cách xử trí và điều trị phù hợp đối với tình trạng dị ứng của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên áp dụng các biện pháp phòng tránh dị ứng tôm cua để tránh những khó chịu không mong muốn.